"Anh thật tệ phải không?". Dòng chữ ấy nằm lặng lẽ theo tiếng trở mình của em. Em không trả lời anh, làm thế nào em trả lời anh được khi những cuộc điện thoại em gọi đi đáp trả chỉ là giọng nói vô cảm của cô tổng đài.
Anh chưa bao giờ tắt máy, chiếc điện thoại của anh luôn mở sẵn . Lúc nào em gọi đến, vẫn là giọng nói nhỏ nhẹ đấy: "Có anh đây". Em hỏi: "Tại sao anh không tắt máy, anh không đi chơi với cô gái khác à?". Anh bình thản: "Để khi cần, em còn nhớ đến anh mà gọi".
Có bao nhiêu cách để hai trái tim xa lạ cùng chao lên những giai điệu nhẹ nhàng, cuộc sống đã sàng lọc trong đám đông, dành anh cho em. Buổi sáng chủ nhật, em ngủ dậy muộn. Cơn đói cồn cào khiến em tung tăng ra phố, ghé vào chiếc quán quen bên đường đang dậy mùi của nắng sớm. Quán nhỏ như em, hồn nhiên ngồi xuống ghế, em gọi lớn: "Một tô bún chả cá như cũ nghe dì. "Dì chủ quán bận luôn tay, vồn vã: "Còn có một tô, anh này gọi rồi cháu ơi". Em nhìn theo bàn tay chỉ-anh ngồi đối diện em, cười thật tươi. Bữa đó, anh đã nhường tô bún chả cá còn lại duy nhất của quán cho em, còn anh thì uống sữa đậu nành. Em ngạc nhiên: "anh không đùa em đấy chứ". Anh cười ngất trời: "Anh nói thật đó, em ăn đi".
Em không thích dậy trễ, nhưng đống bài tập, luận văn không thương em, chúng bắt em không thể ngủ sớm. Nửa đêm, khi tiếng loa phường rò rè đầu ngõ tắt ngúm, mấy tiếng rao của người bán hàng rong vọng lại lúc xa lúc gần cũng là lúc em bận rộn nhất. Anh nói qua điện thoại: "Nói chuyện với anh một lát". Em nhăn nhó: "Không được, em bận lắm". "Bận đến không nói chuyện được với anh?", "Ừ". Anh chẳng giận em, anh đã quen với những câu nói như vậy rồi. Lúc em học xong, em hay nhá máy cho anh tỉnh giấc, chỉ reo đủ hai tiếng là em tắt máy. Anh chẳng bao giờ gọi lại nhưng em biết anh còn thức. Đó là lúc, em biết anh đang viết bài.
Anh hẹn em sáu giờ sáng, ở Huế giờ đó chưa rộn ràng. Những con phố còn ủ mình trong nắng sớm, khoan thai ngắm những người đi bộ dọc theo cầu Tràng Tiền để tập thể dục. Sáu giờ sáng với em vẫn còn sớm lắm, em ở trọ một mình trên con đường nhỏ. Lúc em còn ngủ vùi, nghe tiếng máy nổ của chiếc Vespa xình xịch là em biết anh đến rủ em chạy bộ. Vậy là thắng giấc ngủ, em dậy thay đồ thể thao chạy cùng anh. Mình nhón chân chạy theo con đường nhỏ ven thành phố, ở đó có những hàng cây xanh tít tắp, những vạt cỏ xanh mướt còn đọng mấy giọt sương từ đêm qua, chạy để hít căng lồng ngực bầu không khí đầy sảng khoái, chạy để nghe thành phố rộn ràng trong nắng sớm. Bên quán nước, châm vội điếu thuốc, anh nhìn em: "Bao giờ em đưa anh về ra mắt mẹ". Em lắc đầu nguầy nguậy: "Không được , mẹ la em chết". Em nói với đôi mắt lơ đễnh bởi em biết lúc đó em phải nói dối anh.
Bố mất từ khi em còn nhỏ, một mình mẹ ở quê nuôi em ăn học thành người, hơn ai hết mẹ mong em có một người che chở em thật sự, để thay mẹ yêu thương em vì mẹ bây giờ đã có tuổi rồi. Lòng yêu thương của một người mẹ dành cho con là vô hạn, nhưng những cơn bệnh dai dẳng khiến đôi mắt mẹ như có nhiều sợi khói bay: "Yến à, con phải lấy một người đàng hoàng, yêu thương con thật sự, nghe con". Những lời nói của mẹ bất giác khiến em phải nói dối anh.
Anh là trẻ mồ hôi, anh lớn lên ở làng trẻ tình thương. Một mình anh lăn lộn vào đời, kiếm sống để học hành. Anh đã thỏa ước muốn làm nhà báo, anh muốn được đi đây đi đó để thỏa mãn đam mê đi hết mọi miền của đất nước này. Mẹ làm sao không lo lắng khi em dẫn anh về ra mắt, khi biết anh luôn sẵn sang lên đường, anh vẫn ở nhà thuê, làm sao có thể ở bên cạnh chở che cho con gái mẹ được. Nghe em nói, anh thở dài, những vòng thuốc anh mồi tan dần sau những tán cây.
Chiều thứ sáu, em gói ghém đồ đạc về quê. Chở em ra bến xe, anh nháy mắt: "Không cho anh về thật hả?". Em không trả lời, xe đã lăn những vòng bánh thật xa rồi , em nhìn ra sau vẫn thấy anh đứng bên chiếc Vespa của mình.
Bên nồi cơm thơm mùi đồng ruộng, mẹ thủ thỉ: "Yến, thằng Tùng vừa ghé nhà mình hồi chiều, nó hỏi răng dạo này ít thấy con về. Cái thằng thiệt giỏi, nó vừa khoe với mẹ được lên làm phó khoa đó. Yến nè, hay là... . ". Em cắt ngang lời mẹ: "Mẹ này".
Buổi tối ở quê người ta đi ngủ sớm. Không có bài tập, không có Internet để lên mạng, em cũng đi ngủ sớm. Nằm ngủ không được, em nhắn tin: "Em nhớ anh". Anh nhắn lại: "Anh vừa đến Hội An hồi chiều, em thích đèn lồng không. Đêm ở Hội An nhìn đèn lồng, anh nhớ tới mấy ngọn đèn tù mù ở dãy trọ em, hay là anh mua cho em một chiếc?". Em trở mình, gió từ ruộng thổi vào mát rượi, hay là em cứ thưa hết chuyện với mẹ.
***
Em chưa kịp thưa chuyện với mẹ thì ngày hôm sau, mẹ lên cơn đau tim bất chợt. Em hốt hoảng, bác hàng xóm tốt bụng đã đưa mẹ lên bệnh viện thành phố. Em khóc, em gọi cho anh, những cuộc gọi chỉ nghe tiếng máy đổ dồn mà không có người bắt máy. Mẹ của em phải mổ gấp, trong giây phút đó em làm sao xoay xở được số tiền lớn như vậy. Đôi chân em đã mỏi rã rời khi từ chiều đến giờ em phải chạy khắp nơi để vay mượn tiền mổ tim cho mẹ, nhưng số tiền ấy cũng chỉ để thắp lên chút hy vọng le lói cho em. Giữa lúc em khóc hết nước mắt, Tùng đã xuất hiện như một vị cứu tinh, anh đã cho em mượn tiền và đích thân đứng mổ cho mẹ.
Ngày mẹ tỉnh lại, câu đầu tiên mẹ nói với em chỉ là những làn hơi mệt mỏi: "Thằng Tùng tốt lắm, mẹ con mình mang ơn nó nhiều". Phải, gia đình em đã nợ Tùng một món nợ mà có lẽ cả đời em cũng chẳng trả hết.
Anh về. Em nhìn anh, trong mắt em là bao cảm xúc chất chứa: "Lúc em cần anh nhất thì anh ở đâu?". Sáng em gọi điện thoại cho anh cũng là lúc anh đang lang thang tận dưới Mỹ Sơn để lấy ảnh, chiếc điện thoại nằm ở dưới cùng chiếc balo, và anh không nghe được lời kêu cứu của em. Anh chẳng giải thích với em, anh giải thích làm gì khi ngày buồn không hửng nắng, anh ra khỏi bệnh viện với nỗi buồn của một ngày mưa.
****
Buổi sáng ở Huế vẫn là những cây xanh, là những hạt nắng ném xuống trần gian báo hiệu một ngày lộng lẫy. Sáng nay, không có ai rủ em dậy sớm chạy bộ. Tin nhắn của anh đến từ tối qua, khi em còn trở mình trong giấc ngủ, trong giấc mơ ấy em thấy đôi mắt thật buồn, anh chỉ nhìn em mà không nói.
Em phóng xe ra phố, em lang thang đến căn trọ của anh. Em thấy con đường ngập đầy lá rụng, sao hôm nay lá rụng nhiều quá? Cánh cửa sắt nằm im lìm được khóa kín. Anh đã đến một vùng đất mới nào. Chiếc điện thoại chưa bao giờ tắt của anh giờ đã không còn mở, nhớ anh em làm sao gọi đến. Em ngồi trên bậc cầu thang, cúi nhặt từng chiếc lá vàng mềm mại, em ghi lên đó những dòng chữ, em ghi trên đó một số điện thoại thân quen. Anh nhớ không, số máy đó anh đã bảo không bao giờ tắt, anh tắt làm gì, anh sẽ mở để đến lúc em cần thì em gọi đến...
ST
0 nhận xét:
Đăng nhận xét