Sợi nắng

Chẳng ai thích một cái nắng gắng gỏt như muốn đốt cháy mọi thứ giữa trưa hè. Nhưng với những sợi nắng ấm áp dìu dịu của những buổi chiều mùa thu thì dường như khó ai có thể cưỡng lại sự mê hoặc ấy. Cái vẻ đẹp ấy thật dịu dàng, đôi lúc lại lấp lánh như những hạt kim tuyến dạ trong màu nắng vô hình. Trong những sợi nắng ấy, tôi thấy em ...
...

Tôi còn nhớ, lần đầu tiên gặp em là một buổi chiều nắng ấm áp của tháng 7 mùa thu...
Có những lúc mê mẩn đứng ngây người bởi sự mê hoặc của sợi nắng chiều, tôi thường bị lũ bạn trêu vì cái sở thích như con gái đó. Nhưng tôi thì không nghĩ vậy, chắc gì hầu hết các cô gái đều có sở thích kỳ quặc đó như tôi. Đó là cách mà tôi nhìn thấy những sợi nắng lung linh đang nhảy múa, nó đẹp đến kỳ lạ. Và buổi chiều hôm ấy cũng vậy, còn mãi say mê với cái vẻ đẹp ảo diệu ấy, tôi chợt giật mình khi nghe giọng nói lanh lảnh của cô y tá gần đó.

- Người nhà bệnh nhân Lê Thị Minh Hà. Người nhà bệnh nhân Lê Thị Minh Hà đâu rồi?
Phải rồi. Tôi tự nhắc mình đây là ban công bệnh viện chứ không phải ban công của phòng mình. Nhanh chân rời khỏi ban công, cầm tờ giấy yêu cầu nhập viện trên tay, tôi đi xuống tầng trệt nộp phí làm thủ tục nhập viện cho mẹ. Có lẽ là hôm nay phải túc trực ở bệnh viện cả đêm rồi.
Mẹ tôi bị suy thận và bà phải bắt đầu chạy thận từ hai tuần trước. Cứ cách nhau ba ngày là tôi lại gác việc học qua một bên dành cả thời gian buổi chiều để chở mẹ đến bệnh viện. Hôm nay bác sĩ đột ngột yêu cầu bà nhập viện vì bệnh tình có những chuyển biến lạ trong thời gian đầu chạy thận, cần được theo dõi. Tôi chỉ mong là sẽ không phải nghe những tin không tốt từ bác sĩ và bà sẽ sớm được xuất viện, từ ngày phải chạy thận đến nay tôi đã luôn lo lắng cho sức khỏe vốn đã không được tốt của bà.
Đang đi lên lầu trở lại thì tôi lại vô tình nghe được một giọng nói đang tiến đến từ đằng sau:
- Cô thả con ra đi, con tự đi được mà.
- Đến bao giờ con mới chịu ở yên trong phòng. Ông ngoại con có biết cứ một tuần con lại trốn viện như thế này không hả? Nếu cứ thế này cô nghĩ con nên ngừng điều trị và về nhà rồi con muốn đi đâu thì muốn.
- Con ... xin lỗi.
Cánh tay nhỏ bé của cô gái ấy bị nắm chặt và kéo đi trong sự giận dữ của vị nữ bác sĩ kia. Tôi lấy làm lạ vì bất kỳ người y tá hay hộ lý nào có mặt lúc đó đều bình thản như kiểu việc bất bình thường này đã xảy ra thường xuyên trước đó. Bị lôi xềnh xệch lên lầu, tôi nhìn em với ánh mắt tội nghiệp. Một cô gái có vẻ đẹp như sợi nắng, lung linh, ảo diệu, và khó có thể cảm nhận bằng mắt dù thần thái xanh xao đã phần nào che đi vẻ đẹp ấy - ấn tượng đầu tiên về em trong tôi.
Tối hôm ấy, chị Hai, anh Hai và bé Mon vào viện thăm mẹ. Thấy họ trò chuyện rôm rả, tôi rời khỏi phòng bệnh và lên tầng năm. Dù bây giờ trời đã tối, không còn được thấy nắng chiều nhưng không hiểu sao tôi vẫn thích cái cảm giác được đứng trên ban công tầng năm hơn. Rảo từng bước nhẹ, tôi thả mình vào cái tiết trời dìu dịu của tháng 7.
Ở trong bệnh viện thì chuyện mỗi giờ mỗi phút nghe phải tiếng nôn mửa, tiếng ho hay cả tiếng la hét là điều hết sức hiển nhiên. Nhưng không hiểu sao lần này nghe tiếng ho yếu ớt của một ai đó, tôi dừng lại và nhìn vào cánh cửa sổ mà mình vừa đi qua. Chẳng phải cô gái hồi chiều đây sao?! Người mà tôi có ấn tượng đặc biệt từ cái gặp đầu tiên. Em ôm ngực ho sặc sụa cố gắng bước xuống giường và tìm đến nhà vệ sinh, nhưng chỉ mới một chân đặt xuống thì em đã ngã nhào xuống sàn nhà lạnh lẽo. Nhìn thấy cảnh tượng đó, tôi chẳng kịp nghĩ gì mà vội mở cửa ban công đến bên đỡ lấy em. Nhưng hành động bộc phát đó của tôi đã làm em sợ, dù đang chống chọi với cơn ho xé cổ nhưng em vẫn thụt lùi lại khi thấy tôi.
Cái cảm giác đơn đớn ở cổ họng làm em bụm chặt miệng và rồi ... những làn máu đỏ chảy ra nhuộm đỏ bàn tay bé nhỏ ấy. Tôi hoảng hốt vụt đứng dậy chạy đi tìm bác sĩ thì cánh tay bê bết máu ấy níu lấy tôi rồi nói:
- Không sao đâu. Đừng tìm bác sĩ.
5 phút trôi qua ...
Trong lúc chờ em rửa sạch vết máu trong nhà vệ sinh. Tôi đợi ngoài bên ngoài trong sự sốt ruột, em ho ra máu? Là bệnh gì vậy? Chợt nhìn thấy bệnh án kẹp trên cạnh chân giường, tôi tò mò cầm lên xem. Em là Vũ An Nhiên, 21 tuổi, và đang điều trị ung thư phổi thời kỳ IV. Là giai đoạn cuối sao. Tôi tự hỏi. Không hiểu sao khi xem bản bệnh án ấy, tôi cảm thấy như có chút nhói đau nơi quả tim bên trái lồng ngực.
Cửa nhà vệ sinh mở, em bước ra trông bộ dạng mệt mỏi, nhợt nhạt. Tôi liền đặt tập bệnh án xuống dìu em.
- Tôi kêu bác sĩ kiểm tra cho em nhé.
- Không cần đâu. Ho ra máu là chuyện bình thường mà. Em không muốn làm phiền họ, với cả hôm nay bác sĩ giận lắm.
- Vì em trốn viện?
Em mở đôi mắt tròn xoe nhìn tôi ngạc nhiên. Tôi liền giải thích.
- Lúc chiều có thấy em bị bà cô bác sĩ kia kéo đi.
- À ...
Em gãi đầu xấu hổ.
- Sao em lại trốn viện? Bác sĩ ở đây không đối xử tốt với em?
- Đâu có. Em có rời khỏi bệnh viện thật, nhưng em chỉ đi một chút rồi về. Nhưng lần nào cô cũng giận như vậy ...
Tôi không hiểu lắm cái cách em nói "đi một chút rồi về" nhưng tôi đã không hỏi lại vì không muốn mình quá tò mò trong ấn tượng đầu của em về tôi.
- Anh tên Minh Quân. Anh có thể làm bạn em không?
Cô bé gật đầu cười thật tươi mặc cho cái vẻ gầy gò xanh sao ấy chiếm lấy thân thể. Vậy là tôi đã làm quen được em rồi. Một thằng con trai đang lớn đã trải qua hai mối tình sinh viên chóng vánh, nhưng lần đầu tiên cái cảm giác bồi hồi kỳ lạ ấy cứ đeo bám lấy tôi từ cái nhìn đầu tiên gặp em.
Một tháng, rồi lại hai tháng trôi qua nhanh chóng. Tôi dường như không thể kéo mình rời khỏi em. Tôi đã tự bỏ ra hàng giờ liền để chất vấn quả tim không bao giờ chịu nghe lời này. Nhưng dường như vô vọng, vì vốn dĩ cứng đầu nên tim vẫn làm theo ý nó, vẫn nghĩ về em không bất kể thời gian. Còn tôi thì chẳng tìm được lời giải thích thích đáng nhất cho mình. Chỉ mỗi khi gặp em, tôi mới được thỏa mãn cái cảm giác khó chịu khi xa em ấy.
Mỗi ngày gặp em trong căn phòng bệnh nặng mùi sát trùng ấy, tôi nhận thấy rõ rệt sự kém sắc của em. Không phải vì em không còn đẹp trong bộ quần áo bệnh nhân, mà vì em đang yếu đi từng ngày với những cơn ho ra máu đến thường xuyên hơn. Cứ sau mỗi lần xạ trị đau đớn là mái tóc dài mà tôi ví đẹp như sợi nắng ấy lại rụng dần, thưa dần. Thỉnh thoảng vài lần ghé vào phòng bệnh, tôi bất gặp thấy em đang loay hoay với chính mình trong chiếc nón len ngồ ngộ. Hỏi thì em nói tập đội dần cho quen. Những lúc như vậy, vừa thương em, vừa trách thượng đế đã cho tôi gặp em. Để cảm xúc trái tim này phải phụ thuộc vào em. Em cười, tôi vui. Em xanh xao nhợt nhạt, tôi buồn. Nước mắt em chảy trong đau đớn vì những lần thử thuốc mới, tim tôi thắt lại. Thân thể em đau nhưng tôi lại có cảm giác như đó chính là cơ thể mình vậy.
Dù mẹ đã xuất viện nhưng tôi vẫn cố gắng sắp xếp việc học của mình thật ổn định để mỗi ngày được vào thăm em. Vì tôi biết, thời gian mà tôi còn được ngắm nhìn sợi nắng của mình chẳng bao lâu nữa.
Hôm ấy như mọi ngày tôi lại vào viện thăm em, lúc đi lên cầu thang, tôi vô tình nhìn thấy em mặc thường phục đeo khẩu trang y tế đi về phía thang máy. Sở dĩ nhận ra vì em đang đội chiếc nón len mà tôi tặng hôm trước. Em lại trốn viện? Vội vàng đuổi theo nhưng cửa thang máy đã đóng lại. Lòng tôi lo lắng không yên, ba chân bốn cẳng chạy xuống năm tầng lầu không kịp thở chỉ với hy vọng đuổi kịp em.
Em ra khỏi cổng bệnh viện, bước chân mỗi lúc một nhanh hơn. Có vẻ là em cũng đã nhận ra tôi đang đuổi theo. Em đến trạm xe buýt, bước lên xe, rồi xe lăn bánh thật nhanh. Còn tôi thì như một gã điên mãi chạy theo chiếc xe buýt đang đưa em đi giữa cái buổi chiều nóng bức. Cuối cùng thì chiếc xe cũng nhìn thấy tôi mà dừng lại. Tôi lên xe, nhìn em ngồi nép mình bên cửa sổ ở hàng ghế cuối mà thở hồng hộc.
- Anh về đi.
Em lí nhí nhìn tôi sợ sệt. Dù có muốn về thì thấy em ngay lúc này tôi cũng không thể nào bỏ mặc em được.
- Em lại trốn viện à?
- Em không có. Chiều em sẽ về. Anh xuống xe đi.
- Sao đi không nói với anh? Anh có thể xin phép bác sĩ và đi với em mà.
- Em không muốn làm phiền anh. Em có thể tự đi được.
- Anh vốn dĩ là muốn được phiền như vậy rồi. Anh ngồi nhé. Đuổi theo nãy giờ mỏi chân lắm.
Em tựa đầu bên cửa sổ, ánh mắt mệt mỏi nhìn vào một khoảng không vô định. Sợi nắng xuyên qua cửa kiếng nhỏ như đáp nhẹ xuống bờ mi nặng trĩu của em. Nhiều lần đưa tay muốn em tựa vào vai mình nhưng sự thiếu can đảm lại kéo tay tôi trở về. Có vẻ như nơi em muốn đến rất là xa, vì vậy mà tôi lại càng có được thời gian ngồi bên em lâu hơn chút nữa.
Xe dừng lại ở trạm chờ. Em dẫn tôi đi bộ thêm một đoạn. Và rồi chúng tôi vào một nghĩa trang. Dừng lại ở một ngôi mộ, em ngồi xuống. Tôi nhìn lên tấm bia khắc tên "Nguyễn Hạnh San."
- Mẹ. Hôm nay Nhiên đến thăm mẹ nè. Có cả bạn của Nhiên nữa.
Mẹ? Người phụ nữ xinh đẹp trên bia mộ này là mẹ của em?! Thắp nén nhang lên lư hương. Em kể cho tôi nghe về mẹ, về gia đình của em. Quen biết em cũng đã hơn một tháng, nhưng lần tiên em mở lòng mình với tôi.
Mẹ em là con một của một gia đình khá giả. Nhưng bà lại đem lòng yêu và trót mang thai với một người bồi bàn là bố. Ông ngoại em phản đối vì bố không thể đem lại hạnh phúc cho mẹ với hoàn cảnh thiếu thốn như vậy. Và mẹ em đã bỏ căn nhà khang trang, bỏ ông ngoại để về sống cùng với bố trong căn phòng trọ chật hẹp không có lấy cái toilet. Một năm sau khi em chào đời, bố bị tai nạn xe và qua đời trong nỗi đau đớn tột cùng của mẹ. Mẹ gào khóc điên dại ôm bố nằm bất động, có nhiều lần tưởng như mẹ sẽ bỏ em ra đi như bố. Khoảng thời gian để mẹ vượt qua sự mất mát, mẹ đã cố gắng mưu sinh làm những việc bần cùng nhất có thể chỉ để có miếng cơm thừa cho em không bị đói. Có những lúc không có lấy một đồng trong túi, mẹ dẫn em đi lang thang trên phố và phải đặt giấc ngủ của mình ở một nơi không dành cho con người, dù lúc đó em chỉ mới ba tuổi. Tích cóp được vài trăm ngàn, mẹ đi khám bệnh thì bác sĩ chuẩn đoán mẹ em bị ung thư phổi, và đang ở thời kỳ IB. Thông thường với những bệnh nhân ung thư giai đoạn đầu cần khá nhiều thời gian, trải qua nhiều thời kỳ thì tế bào ung thư mới di căn. Nhưng vì cuộc sống vất vả và không được chữa trị đúng cách, mẹ đã mất khi em chỉ mới tròn năm tuổi. Bố mất, em đi bập bẹ, cười khoái chí khi thấy nhiều người đến nhà viếng bố. Mẹ mất, em không cười nhưng cũng chẳng khóc, chỉ ngây ngô hỏi "mẹ con đâu" vì đơn giản là lúc đó em còn quá nhỏ để có thể cảm nhận được nỗi đau mất đi người thân.
Lúc sắp bị gửi vào cô nhi viện thì có một người đến nhận em về nuôi, và nói rằng là ông ngoại của em. Ngoại thương em lắm, cho em tất cả những gì mà em luôn mơ ước trước đây, trừ bố mẹ. Nhưng vì tính cố chấp của ngoại trong việc của mẹ nên em và ngoại ít khi gần gũi. Một ông, một cháu sống trong căn nhà khang trang 4 tầng nhưng hiếm khi gặp được mặt nhau. Sáng khi em đi học là ngoại đã đến công ty, tối khi ngoại về là em đã say giấc trong căn phòng nhà đầy ắp của cải nhưng lại thiếu thốn tình thương. Đến năm lớp 11 thì em có những dấu hiệu suy yếu và được chuẩn đoán mắc phải căn bệnh ác nghiệt đã cướp đi sinh mạnh của mẹ. Em nghĩ học, bắt đầu việc điều trị trong bệnh viện. Những ngày tháng xem bệnh viện là nhà của mình, em đã tự nói với bản thân sẽ không có ngày rời khỏi nơi này. Và cuộc đời em sẽ kết thúc trong căn phòng màu trắng ấy. Hơn bốn năm nằm trong bệnh viện này nhưng số lần ngoại đến thăm em chưa hơn mười đầu ngón tay. Thỉnh thoảng em lại trốn viện để đến nghĩa trang chỉ vì nhớ mẹ, nhớ ông ngoại nhưng lại chẳng thể về nhà.
Giọng nói của em run run nấc nghẹn trong những giọt nước mắt nóng hổi trên khóe mắt. Lòng tôi chợt nghẹn. Ôm em vào lòng, tôi quệt đi những giọt nước mắt trên gò má ấy. Làm sao tôi có thể biết được, một cô gái xinh đẹp hay cười như em lại có tuổi thơ đáng thương như vậy. Từ lúc còn trong bụng mẹ, cho đến khi trưởng thành, em luôn mang trong mình những câu chuyện buồn, những nỗi đau mà chẳng ai có thể hiểu. Tôi tự hỏi hạnh phúc đã bao giờ mỉm cười với em chưa?
Rời khỏi nghĩa trang, tôi tính đón xe buýt đưa em về lại bệnh viện viện nhưng em lại nói muốn cùng tôi đi dạo một con đường của Hà Nội vì thời gian nằm viện, ngoài con đường đến nghĩa trang, em đã quên mất thành phố này xinh đẹp ra sao rồi. Tôi có chút lo lắng cho sức khỏe của em nhưng em thì không quan tâm điều đó lắm. Cuộc sống ngắn ngủi, nếu còn tận hưởng thì cứ tận hưởng. Cứ lo lắng sợ sệt thì đến khi ra đi cũng chỉ đem theo nuối tiếc mà thôi.
Nắm tay em đi một vòng hồ Gươm, cùng rảo bước trên những con đường cổ. Tôi lấy cái nón len ra thì em vội chụp lại vì không muốn ai thấy mái tóc thưa thớt của mình.
- Tóc em đẹp lắm, anh thích nhìn em như thế này hơn.
Em đỏ mặt ngượng ngùng, cái vẻ đáng yêu ấy càng khiến tôi không thể ít nghĩ về em. Ánh nắng chiều xen kẻ với mái tóc em như vốn dĩ nắng và em là một vậy. Tôi ngắm em, từng khoảnh khắc sợi nắng của tôi đang hòa mình vào vẻ đẹp của thành phố đều được tôi lưu lại cẩn thận. Em đẹp như chính thành phố này vậy. Tôi thích sợi nắng, và tôi yêu em.
Khi hoàng hôn buông mình cũng là lúc tôi đưa em về bệnh viện trên chiếc xe buýt. Cũng là hàng ghế cuối dù chiếc xe chỉ có 3 hành khách duy nhất là chúng tôi và một thanh niên khác. Em chìm vào giấc ngủ ngon trên bờ vai tôi trong cơn mệt mỏi, nhìn thành phố đã lên đèn đang chạy ngược dòng với chiều xe, tôi thấy nhẹ lòng. Cảm ơn thượng đế đã cho tôi lời giải thích thỏa đáng cho những cảm xúc chưa bao giờ nằm yên trong quả tim này. Tôi biết đó là gì rồi.
...
Sợi nắng của tôi rụng nhiều quá, mỗi ngày đến thăm em lại thấy thêm một ít tóc vương vãi trên giường. Có những lúc dù tóc rồi xù nhưng em không dám cầm lược vì sợ khi chải tóc sẽ rụng nhiều hơn. Đã bao lâu đâu mà sợi nắng của tôi lại rời khỏi thân thể người tôi yêu nhiều thế này. Em ăn ít hơn và nằm trên giường nhiều hơn. Rồi một ngày các bác sĩ y tá sắp xếp chuyển em qua một phòng bệnh khác. Xung quanh giường bệnh có rất nhiều loại máy móc và chúng được nối dây gắn lên thân thể em. Tôi không biết chính xác là chuyện gì đang xảy ra với em. Họ nói với tôi sẽ không còn bao lâu để em có thể tỉnh táo được như bây giờ...
Em nhìn tôi, mấp máy môi muốn nói điều gì đó nhưng cái ống thở vướng víu lại ngăn cản em. Nước mắt em chảy, tôi biết là em đang sợ lắm. Tôi cũng vậy, tôi sợ những thứ máy móc gắn trên người sẽ làm em đau. Tôi sợ những lần gặp bác sĩ lại nghe báo về tình trạng không tốt hiện tại của em. Sợ ngày mai em sẽ không chịu mở mắt nhìn tôi nữa. Sợ sẽ không có cơ hội để nói tôi yêu em.
Ngày hôm nay, tôi trò chuyện với em được 10 phút thì em nhắm mắt lại. Ngày mai tôi mở cho em nghe những bài hát không lời mà tôi vừa tuyển, chỉ 5 phút ngắn ngủi, em lại thiếp đi. Ngày kia tôi đem vào những quyển sách tiểu thuyết nổi tiếng đọc cho em nghe, nhưng em không có lấy một phút, một giây mở mắt nhìn tôi. Trong căn phòng trống trải chỉ nghe thấy tiếng máy móc, tôi kể cho em nghe về câu chuyện tình của Sam và David, nhưng chỉ có mình tôi đọc, mình tôi nghe, rồi lại mình tôi cười.
Họ nói ... em đã chìm vào hôn mê sâu...
Mỗi giờ, mỗi phút trôi qua, nhịp tim của em yếu dần. Em như nàng công chúa Aurora ngon giấc bênh giường bệnh. Giấc ngủ thần tiên, chỉ để chờ hoàng tử đến trao cho em nụ hôn. Những lúc tuyệt vọng, tôi ước gì em là Aurora xinh đẹp, còn tôi là Phillips, chỉ cần một nụ hôn em sẽ tỉnh lại. Tôi sẽ không phải chờ đợi để em tỉnh dậy nhìn tôi nữa.
Một buổi sáng em tỉnh dậy, mở mắt nhìn tôi. Tôi còn chưa kịp mừng cho em thì từng giọt, từng giọt nước mắt em lại chảy. Tôi vội vàng lau khô rồi nói: "Sẽ không sao đâu. Em sẽ ổn mà. Bác sĩ nói bệnh tình em đang tiến triển tốt. Đừng khóc nữa, có anh ở đây." Có lẻ đó là lời nói dối tệ nhất của tôi mà em từng nghe. Ngay cả trong ánh mắt, tôi cũng thấy được sự yếu ớt đó. Chợt cánh môi nhỏ trắng bệch của em mấy máy, tôi cố nhìn để hiểu em đang muốn nói gì. Tôi lặng người... Dù sự lo lắng tôi dành cho em đã lấn át tâm trí này nhưng đâu đó trong trái tim tôi là sự hạnh phúc mang tên tình yêu. Hạnh phúc vì em nói ... "em yêu anh."
Biểu đồ nhịp tim của em đang thưa dần, huyết áp hạ rõ rệt. Đến khi tiếng tít tít từ máy đo nhịp tim kêu liên hồi. Chỉ là một âm thanh nhỏ thôi nhưng nó lại như con dao ngàn lưỡi cứ đâm vào, rồi lại rút ra. Đâm vào, rút ra...
Người ta nói hiếm có bệnh nhân hôn mê nào trước khi tim ngừng đập tinh thần còn đủ tỉnh táo để mở mắt nhìn người thân. Và họ nói, em mở mắt ... để tạm biệt tôi.
...
Ngọn lửa hạnh phúc chỉ vừa lóe lên thì chỉ trong chớp mắt đã bị dập tắt bởi cơn gió vô hình. Thay cho sự hạnh phúc, nỗi đau ngự trị trái tim...
Ngày đưa em về với đất mẹ bao la, tôi đã không khóc. Không phải là tôi không đau, mà vì quá đau, nên tôi đã quên mất cái cảm giác phải khóc như thế nào rồi. Dù có cố khóc, nước mắt cũng không thể chảy được nữa. Tất cả những gì tôi có thể cảm nhận được là thế giới mà em tồn tại trong trái tim tôi đang sụp đổ. Ngày tiễn em, trời đang hảnh nắng bỗng dưng lại đổ mưa. Tôi biết rồi. Thượng đế đang khóc thương cho sợi nắng chăng?
Tôi đã ngồi rất lâu bên ngôi mộ mới xây của em. Những vị bác sĩ và y tá gắn bó với em hơn bốn năm nay cũng dần dần ra về trong cơn mưa như nước trút. Tôi không thấy lạnh vì lúc này trái tim tôi còn lạnh hơn cả thân thể. Rồi một bước chân kèm theo giọng nói của một người đàn ông lớn tuổi đang đến gần, tôi nhìn lên.
- Nhiên ơi, ngoại lại về trễ hả con?
Người đàn ông ấy ngồi thụp xuống trước bia mộ. Ông ta mặc bộ âu phục ra dáng người kinh doanh, nhưng những nếp nhăn trên gương mặt không giấu được tuổi tác. Dường như ông ấy không nhận thấy sự tồn tại của tôi trước nỗi đau quá lớn này, còn tôi thì lẳng lặng nhìn ông ta rồi cười trêu đời.
- Ông có tiền không? Ông có công ty riêng à? Chắc ông giàu lắm. Vậy thì mua lại mạng sống của cháu gái ông đi.
Tôi hét lên. Dường như mọi đau đớn, mọi phẫn nộ của tôi trong thời gian qua đều chỉ chực chờ trút vào ông ấy, dù tôi biết ông ta cũng đang rất đau khổ và dằn vặt lương tâm, nhưng tôi không thể nào kìm nén sự tức giận của mình lúc này.
- Có thật cô ấy là cháu ngoại ông không? Vậy ông làm ông ngoại kiểu gì mà cháu mình bệnh không thèm quan tâm. Làm ông kiểu gì mà cháu ra đi cũng không có mặt. Ông nghĩ quẳng cô ấy vào một cái phòng bệnh cao cấp, trả đủ viện phí là cô ấy sẽ khỏi bệnh? Ông nghĩ bây giờ ông có mặt là đã làm tròn trách nhiệm? Cô ấy là cháu gái ông mà. Lẽ ra cô ấy đã trị khỏi bệnh nếu như những ngày đầu có người quan tâm tới bệnh tình cô ấy. Lẽ ra cô ấy đã sống lâu hơn nếu như không phải vài ngày lại trốn viện đến nghĩa trang thăm mẹ. Ông có biết cô ấy bệnh gì không? Là ung thư phổi, là ung thư phổi chứ không phải viêm phổi. Ông có chứng kiến cô ấy ho ra máu đau đớn như thế nào không? Ông có biết cô ấy luôn nhớ, luôn nhắc đến ông như thế nào không? Hả? Trả lời tôi đi chứ.
Tôi đau đớn gào thét. Sự oán hận dồn dập của tôi như khơi dậy nỗi đau của ông ấy. Ông ôm lấy bia mộ kêu gào. Tôi biết, ông ấy cũng có nỗi khổ của riêng mình. Nhìn hình ảnh của ông lúc này, tôi vừa thấy thương, vừa hận ông đã quá vô tâm với em. Ông ấy cũng đã lớn tuổi rồi, con gái mất, cháu ngoại mất. Rồi con đường phía trước của ông sẽ ra sao...
- Nhiên ơi. Ngoại lại về trễ rồi con ơi. Ngoại chỉ biết rằng làm việc cật lực để mong có thể bù đắp được cho con những vất vả mà con đã chịu đựng trước đây, chỉ mong cho con một cuộc sống sung túc, ngoại không biết rằng ngoại đã quá vô tâm với con. Nhiên ơi, ngoại có lỗi với con, với mẹ con con Nhiên ơi.
Có lẽ nhờ nước mắt thượng đế hòa lẫn nên tôi không thể cảm nhận được nước mắt của mình mặn và đắng như thế nào nữa. Sâu thẳm trong đôi mắt vô hồn tuyệt vọng, tôi cười trong sự mặn chát của nước mưa. Con người ... sao buồn cười quá. Có tiền là mua được tình thương? Có tiền có thể bù đắp được sự mất mát? Có tiền là mua được sức khỏe? Nếu vậy chẳng phải sợi nắng của tôi đã được cứu sao?!
Em từng nói vì tôi thích vẻ đẹp của nắng nên nếu một ngày em ra đi, dù thân xác em trả lại cho thượng đế nhưng linh hồn em sẽ hòa cùng sợi nắng. Để được biết rằng mỗi ngày em vẫn đang bên tôi trên mọi con đường. Đúng vậy. Dù cái cảm giác lần đầu tiên gặp em tôi không thể tìm lại được nhưng tôi vẫn có thể ngắm nhìn em mỗi ngày...
...
Sau cơn mưa, trời lại hừng tỉnh đưa nắng ấm trở về. Trong cái màu nắng vô hình đó, có một người con gái với mái tóc dài lẩn trong màu nắng lung linh đang nhìn tôi mỉm cười ... "Em sẽ đợi anh ... nơi thiên đường."

ST
Share on Google Plus

VỀ Unknown

ĐẶC SẢN NGON VÀ LẠ THY VÂN: Chả Bò Đà Nẵng Thy Vân, Giò Me Nghệ An, Bò Một Nắng, Nai Một Nắng, Tôm Một Nắng, Mực Một Nắng, Gân Bò - Nai Một Nắng, Cá Thu Một Nắng, Mực Khô Cao Cấp, Chân Giò Muối Xông Khói, Thịt Trâu Gác Bếp, đặc sản vùng miền,... http://chabochinhieudanang.vn/ - http://www.dacsanthyvan.com/
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

XEM NHIỀU NHẤT

XEM NHIỀU NHẤT TRONG THÁNG